Hà Nội dự kiến trong giai đoạn từ năm 2024 – 2027 sẽ khởi công, hoàn thành 6 cây cầu nối hai bờ sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc.
1. CẦU HỒNG HÀ NỐI HUYỆN ĐAN PHƯỢNG VỚI MÊ LINH
Theo quy hoạch giao thông Hà Nội, cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng, nằm trên trục đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. TP Hà Nội dự kiến khởi công cầu trong tháng 10/2024 và hoàn thành sau 3 năm.
Dự kiến trong tháng 10/2024, TP Hà Nội sẽ khởi công cầu Hồng Hà.
Phương án thiết kế cầu Hồng Hà. Ảnh: BQLDA giao thông Hà Nội
Cầu Hồng Hà nằm trên địa bàn thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh).
Cây cầu có chiều dài khoảng 6km, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Cầu Hồng Hà rộng 24,5m, với 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ.
Sau khi cầu Hồng Hà được hoàn thành sẽ giảm tải mật độ phương tiện đi qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.
2. CẦU MỄ SỞ NỐI HÀ NỘI VỚI HƯNG YÊN
Cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng, thuộc Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, kết nối huyện Thường Tín (TP Hà Nội) với huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
Phương án thiết kế cầu Mễ Sở. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Cây cầu có chiều dài hơn 13km, tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng. TP Hà Nội dự kiến khởi công cây cầu này trong năm 2024.
Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Hiện người dân khu vực này vẫn lưu thông qua bến phà Mễ Sở.
3. CẦU THƯỢNG CÁT NỐI BẮC TỪ LIÊM VỚI ĐÔNG ANH
TP Hà Nội dự kiến khởi công cầu Thượng Cát vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/2024). Tổng mức đầu tư cây cầu này là hơn 9.400 tỷ đồng.
Phương án thiết kế cầu Thượng Cát được TP Hà Nội trao giải nhất.
Cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Cầu Thượng Cát tiếp nối tuyến đường Vành đai 3,5, kết nối các khu vực quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Công trình sẽ trở thành một yếu tố quan trọng để phát triển vùng Tây Bắc Thủ đô đang cần bổ sung hệ thống hạ tầng đô thị.
Hiện TP Hà Nội chưa chốt phương án thiết kế cầu Thượng Cát. Tuy nhiên, phương án được thành phố trao giải nhất cuộc thi thiết kế cầu mang tên “Cánh chim hòa bình” có cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo hình dáng một cánh chim vươn cao; mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4m. Số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
4. CẦU TỨ LIÊN NỐI TÂY HỒ VỚI ĐÔNG ANH
Cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, với chiều dài 2,9km, trong đó cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Phương án thiết kế cầu Tứ Liên. Ảnh: Sở QHKT Hà Nội
TP Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo phương án thiết kế được TP Hà Nội phê duyệt, Tứ Liên là cây cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.
5. CẦU TRẦN HƯNG ĐẠO NỐI HOÀN KIẾM VỚI LONG BIÊN
TP Hà Nội đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên. Dự án có tổng mức đầu tư 16.374 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, cầu Trần Hưng Đạo được thi công trong giai đoạn từ năm 2025 – 2027.
Tổng mức đầu tư cầu Hồng Hà là 16.374 tỷ đồng.
Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Theo phương án kiến trúc được TP Hà Nội lựa chọn, cầu Trần Hưng Đạo có kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp tạo ra hình tượng vô cực.
Mặt cắt ngang cầu chính là 40,66m, tại trụ cầu là 47,76m. Cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, hai làn xe đạp và vỉa hè cho người đi bộ. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu.
6. CẦU VÂN PHÚC NỐI HÀ NỘI VỚI VĨNH PHÚC
Dự án cầu Vân Phúc và xây dựng tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32 (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có tổng mức đầu tư đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.
Theo UBND TP Hà Nội, cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32 dài 7,7 km. Điểm đầu tại vị trí giao cắt quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Phương án thiết kế cầu Vân Phúc. Ảnh: BQLDA giao thông Hà Nội
UBND TP Hà Nội cho biết, việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.17 cây cầu nối 2 bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội
Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn thành phố sẽ có 17 cây cầu vượt sông Hồng. Hiện đã có 7 cầu được xây dựng gồm: Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh.
10 cây cầu đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới, gồm: Cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 (đang xây dựng), Thượng Cát và hai đầu cầu, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thăng Long mới, Ngọc Hồi, Phú Xuyên.